[Tin trên báo] Đại học Tôn Đức Thắng xếp hạng quốc tế càng cao, sinh viên, xã hội càng có lợi
- PV: Thưa Phó giáo sư Phạm Thanh Phong, ngày 15/8/2020 (giờ Việt Nam) Hệ thống xếp hạng đại học thế giới ARWU (Academic Ranking for World Universities, Đại học Giao thông Thượng Hải) đã công bố kết quả xếp hạng các đại học xuất sắc nhất toàn thế giới năm 2020. Việt Nam có một đại học duy nhất là Trường Đại học Tôn Đức Thắng tiếp tục vào trong bảng này; và được xếp Top 701-800, tăng ít nhất 200 bậc so với năm 2019 (là 901-1000). Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, đây là một cuộc đua "thành tích ảo", thầy có chia sẻ gì về điều này?
Phó giáo sư Phạm Thanh Phong (cười): Để đánh giá bảng xếp hạng quốc tế của một trường đại học là "ảo" hay "thật", ngoài giá trị thương hiệu, uy tín của tổ chức đánh giá xếp hạng ấy, theo mình điều xã hội, cha mẹ học sinh sinh viên quan tâm nhiều hơn cả vẫn là sinh viên - con em họ, cũng như cộng đồng được hưởng những lợi ích gì từ thứ hạng của trường đại học mình đang học (hoặc săp theo học) trong bảng xếp hạng quốc tế. Nói cách khác, xếp hạng quốc tế sẽ mang đến những giá trị gì cho bản thân trường đại học, sinh viên và cộng đồng?..
Phó giáo sư Phạm Thanh Phong, ảnh do nhân vật cung cấp. |
Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo có 7 lần nhắc đến "hội nhập quốc tế" với quan điểm chỉ đạo: Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Cũng trong năm này, Bộ Chính trị ban hành riêng một nghị quyết về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 22-NQ/TW.
Muốn hội nhập quốc tế sâu rộng, các trường đại học phải tích cực, chủ động làm như các đại học nước ngoài làm, trong đó, tham gia các bảng xếp hạng quốc tế là một sự lựa chọn tất yếu và cần thiết. Nếu không có chiến lược và kế hoạch thực hiện mục tiêu vào các bảng xếp hạng đại học quốc tế, thì hội nhập quốc tế e rằng mãi vẫn chỉ là khẩu hiệu.
Khi và chỉ khi chúng ta làm giống họ, suy nghĩ và quản trị giống họ, chúng ta mới có thể hội nhập với họ.
Vào năm 2008, TDTU là một trường nhỏ cả về qui mô nhân lực, sinh viên, ngành nghề, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; và không có gì về khoa học-công nghệ. Nhớ lại việc này, một Tổng biên tập từng nói: vào năm 2008 ông không biết đến Trường đại học Tôn Đức Thắng và cũng không có nhu cầu muốn biết.
Khi mới thành lập, Trường Đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng phải đi thuê trụ sở, cơ sở vật chất chưa có gì, tuyển sinh vô cùng khó khăn, nghiên cứu khoa học là con số 0. Ảnh: TDTU. |
10 năm sau, mọi cái đã thay đổi một cách không thể tưởng được. Từ chỗ Trường có được 9 phòng-ban chức năng, 10 khoa, 2 trung tâm khoa học-công nghệ, 1 tạp chí tiếng Việt vào năm 2008; đến 2018, đã có một hệ thống giáo dục và khoa học-công nghệ với 61 đơn vị trực thuộc gồm: 17 khoa; 05 Viện nghiên cứu; 18 Phòng - Ban - Trung tâm chức năng; 01 Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học-công nghệ, 02 tạp chí tiếng Anh phát hành toàn cầu; 12 Trung tâm khoa học-công nghệ; 05 cơ sở trực thuộc và 01 công ty. Ngoài ra, còn có 63 Nhóm nghiên cứu khoa học-công nghệ trọng điểm..
Qua 10 năm, TDTU vẫn là đại học đầu tiên và duy nhất hiện nay của hệ thống đại học Việt Nam được USPTO cấp Bằng sáng chế khoa học công nghệ. Tính từ 1975 đến nay, cả nước có 57 Bằng sáng chế Mỹ do Việt Nam đứng tên chủ sở hữu, trong đó có 07 Bằng sáng chế là của TDTU. Ước tính giá trị khoa học đã chuyển giao trong 5 năm thực hiện kế hoạch lần thứ 2 là 100 tỷ đồng. Đây là điều kế hoạch 5 năm lần thứ nhất chưa đạt được.
Đấy là một vài con số rất sơ lược về sự thay đổi trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường chỉ trong vòng 10 năm, cơ sở để các tổ chức xếp hạng đại học quốc tế uy tín như THE, ARWU, QS đưa TDTU vào bảng xếp hạng của họ.
Quay trở lại với vấn đề chính, TDTU được vào bảng xếp hạng quốc tế sẽ mang lại lợi ích gì cho sinh viên, giá trị gì cho cộng đồng? Với sinh viên, TDTU càng được xếp hạng càng cao thì các em càng có nhiều cơ hội học các thầy giỏi. Ở TDTU, không chỉ có các nhà khoa học quốc tế đến thỉnh giảng, mà các em có nhiều cơ hội được ra nước ngoài thực tập, giao lưu, học hỏi tại chính các lab nghiên cứu của các nhà khoa học hàng đầu, bản thân các em được tham gia các dự án nghiên cứu, được thầy giỏi hướng dẫn...
Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ là một trong những mũi nhọn của TDTU, ảnh: Phó giáo sư Phạm Thanh Phong cung cấp. |
Từ đầu năm 2017 đến đầu năm 2020, trong 3 năm đã có 29 sinh viên bậc đại học của TDTU tham gia công bố quốc tế ISI/Scopus, với số lượng là 19 bài báo. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu tiên của năm 2020, đã có 4 công trình ISI/Scopus của sinh viên, học viên được công bố.
Thí dụ năm qua, một sinh viên của Trường là em Châu Thanh Trúc trở thành tác giả chính của bài báo Evaluation of Enzyme Protease Activity and Inhibition Effect on Pyricularia grisea with the Leaf Extract of Commela communis l đăng trong tạp chí Journal of Pure and Applied Microbiology (Scopus).
Cũng chính nhờ được xếp hạng quốc tế, cho đến nay Nhà trường đã tiếp nhận trên 3.000 sinh viên quốc tế từ trên 25 quốc gia đến theo học dài hạn bậc đại học, sau đại học, học tập ngắn hạn và giao lưu, trao đổi văn hóa tại Trường.
- PV: Xung quanh việc xếp thứ hạng cao của TDTU, thời gian qua cũng có những ý kiến tranh luận về việc, liệu có đúng đắn hay không khi một trường đại học trả tiền cho các nhà khoa học ở các cơ quan nghiên cứu khác để ghi tên trường đó làm địa chỉ cho những bài báo khoa học mà họ công bố? Thày có chia sẻ gì về điều này?
- Phó giáo sư Phạm Thanh Phong: Cha ông ta thường răn dạy con cháu, có thực mới vực được đạo. Thực trạng nghiên cứu khoa học công nghệ nước nhà còn nhiều khó khăn, tồn tại không chỉ bởi cơ chế chính sách còn nhiều rào cản, mà còn bởi nhà khoa học chưa thể sống được bằng thu nhập từ hoạt động nghiên cứu.
Châu Thanh Trúc, sinh viên TDTU là tác giả chính của bài báo Evaluation of Enzyme Protease Activity and Inhibition Effect on Pyricularia grisea with the Leaf Extract of Commela communis l đăng trong tạp chí Journal of Pure and Applied Microbiology (Scopus). Ảnh do Phó giáo sư Phạm Thanh Phong cung cấp. |
Nếu chỉ nói suông và động viên tinh thần là chính, thì việc đòi hỏi các sản phẩm nghiên cứu khoa học phải có giá trị và được công nhận rộng rãi, là điều phi lý. Đó là hiện tượng mà dư luận xã hội đã phàn nàn, phê phán trong nhiều thập niên, từ năm này qua năm khác về những công trình nghiên cứu bỏ tủ, những đề án-dự án nghiên cứu giải ngân...
Trước thực trạng như vậy, TDTU càng tự hào về chính sách nghiên cứu của mình, không cào bằng mà trả công xứng đáng dựa vào kết quả nghiên cứu, chính điều đó đã tạo động lực đổi mới, sáng tạo trong nghiên cứu, giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, viên chức làm việc thường xuyên tại Trường, cũng như các nhà khoa học, giảng viên quốc tế hợp tác với Trường.
Chắc các bạn cũng biết, TDTU là một trường đại học tự chủ ngay từ ngày đầu, chúng tôi phải tự xoay sở chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi khoa học công nghệ từ nguồn tự thu khiêm tốn trong khi thương hiệu ban đầu chưa có gì, tuyển sinh vô cùng khó khăn. TDTU không bao giờ lãng phí, dù chỉ một đồng, nên không bao giờ có chuyện ném tiền qua cửa sổ cho những giá trị ảo, những điều vô nghĩa.
"TDTU trả tiền cho các nhà khoa học khác trong nước và quốc tế để ghi tên Trường làm địa chỉ cho những bài báo khoa học mà họ công bố" là một cách nói tắt dễ gây hiểu lầm và ngộ nhận.
Đoàn lãnh đạo tỉnh Bình Định tới tham quan vườn ươm công nghệ cao của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, tìm kiểm các cơ hội hợp tác chuyển giao công nghệ cho địa phương. Ảnh do Phó giáo sư Phạm Thanh Phong cung cấp. |
Thực tế, hầu như không có trường đại học nào chỉ dựa vào 100% điều kiện tự thân như đội ngũ nhân sự, trang thiết bị và phòng thí nghiệm nghiên cứu của mình để bảo đảm hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ đạt chất lượng và chất lượng cao ở tất cả các mặt.
Chính vì thế, hợp tác khai thác các thế mạnh của nhau và mang đến lợi ích cho nhau, hay còn gọi là hợp tác win-win là một sự lựa chọn thông minh. Người ta mới thấy các bài báo được các nhà khoa học quốc tế hợp tác với Trường và ghi địa chỉ TDTU sau một hợp đồng nghiên cứu, nhưng còn rất nhiều giá trị khác nữa từ sự hợp tác này, chứ không chỉ dừng lại ở bài báo.
Tôi lấy thí dụ, một giáo sư Nhật Bản hợp tác nghiên cứu với TDTU, họ có thể sử dụng cơ sở dữ liệu của TDTU để phục vụ cho đề tài của mình, TDTU có thể gửi nghiên cứu viên, học viên sau đại học qua lab của nhà khoa học ấy làm trợ lý nghiên cứu, thực hiện luận án. Nhà khoa học này cũng có thể giới thiệu cho Trường, cho sinh viên TDTU hay các địa phương mà TDTU đang hợp tác chuyển giao công nghệ, kết nối với các doanh nghiệp...
Đó là một sự hợp tác cùng thắng, mà mỗi một hợp đồng nghiên cứu, ngoài bài báo công bố, còn có rất nhiều giá trị khác cho nghiên cứu viên và sinh viên của Trường, chứ không phải chỉ có tiền tài trợ (hoặc cứ nói là tiền công) và bài báo.
Xếp hạng quốc tế càng cao, hội nhập quốc tế càng mạnh, sinh viên TDTU càng có nhiều cơ hội việc làm, phát triển nghề nghiệp. Ảnh do Phó giáo sư Phạm Thanh Phong cung cấp. |
Quay trở lại thực trạng nhiều trường đại học trong nước, có thể 3-4 trường thành viên trường nào cũng có khoa cơ bản, trường nào cũng có nhà thể chất, trường nào cũng có phòng thí nghiệm, cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu theo các chuyên ngành đào tạo của mình..., nhưng không thể trang bị cho các chuyên ngành khác.
Tại sao các trường này không chia sẻ với nhau, khai thác tối đa các nguồn lực hiện có và tránh sự lãng phí? Đôi khi cơ chế là rào cản, nhưng phần nhiều người ta cũng không muốn làm vì quá nhiều ràng buộc trách nhiệm, rủi ro chính sách trên đầu.
Có nhà khoa học nhắc đến bài báo Nghiên cứu tham số mô tả cánh tay xoáy ốc của thiên hà: độ rộng cánh tay (Investigation of the parameters of spiral pattern in galaxies: the arm width), đăng trên Tạp chí nghiên cứu Thiên văn học và Vật lý thiên văn (Research in Astronomy and Astrophysics), số 20, tập 8, năm 2020.
Ông nhận xét, các tác giả của bài báo là 3 nhà vật lý thiên văn đáng kính làm việc tại Saint Petersburg; bài báo có nội dung tốt và ở một đẳng cấp cao. Nhà khoa học này cũng thắc mắc, tại sao TDTU hoàn toàn không đào tạo gì về vật lý thiên văn, nhưng lại hợp tác với Mosenkov để có bài báo khoa học về lĩnh vực này? Vì sao TDTU không thành lập một bộ môn vật lý thiên văn và bỏ kinh phí mời các nhà khoa học xuất sắc sang giảng bài?
Như đã nói ở phần trên, không một trường đại học nào có thể ôm tất, nhất là các trường đại hoc đa ngành. Khi điều kiện chưa cho phép, thì tại sao không hợp tác và chia sẻ? Còn việc hợp tác này đóng góp gì cho sinh viên TDTU và cộng đồng ư?....
Xếp hạng quốc tế cao giúp TDTU thu hút được nhiều nhà khoa học giỏi, sinh viên có cơ hội học thầy giỏi, giao lưu, thực tập tại các phòng thí nghiệm danh tiếng, ảnh do Phó giáo sư Phạm Thanh Phong cung cấp. |
Đầu tiên là mối quan hệ win-win như Tôi đã nói ở trên. Thứ hai, sự hợp tác này là tiền đề, đặt nền móng cho sự hợp tác khác, như: các nhóm nghiên cứu, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh của TDTU trong các lĩnh vực khoa học môi trường, vật lý, trắc địa, công nghệ thông tin, viễn thông,… có thể tìm kiếm được cơ hội hợp tác nghiên cứu đa ngành với chính các giáo sư này hoặc giáo sư/ chuyên gia khác do chính những giáo sư này giới thiệu, để hoàn thiện những nghiên cứu cần thông tin bổ trợ ở lĩnh vực này hay có được hướng nghiên cứu mới có được tính ứng dụng thực tế cho cộng đồng.
Cũng từ mối quan hệ ban đầu này, TDTU có thể dễ dàng hơn trong việc mời các giáo sư này hoặc giáo sư/ chuyên gia cùng lĩnh vực do các giáo sư này giới thiệu đến TDTU để tham dự hội thảo, seminar khoa học, giảng các buổi chuyên đề có liên quan cho sinh viên đang theo học các ngành trên, để sinh viên có được tiếp cận nhanh với kiến thức mới, có cái nhìn tổng quát, mối liên hệ ngành mình đang học với các ngành khác.
Thứ ba, cũng từ mối quan hệ tiền đề này, nếu được tiếp tục duy trì phát triển tốt thì TDTU có thể làm cầu nối cho các nhà khoa học, cơ quan chức năng của Việt Nam khi cần có sự tham vấn trong lĩnh vực này từ các chuyên gia hàng đầu thế giới.
Việc này cũng đã từng diễn ra, khi nhờ các mối hợp tác nghiên cứu này, TDTU đã là cầu nối để tổ chức hội thảo quốc tế xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2018, bởi các chuyên gia nước ngoài giới thiệu những doanh nghiệp mà họ hợp tác; hay có được những chuyên gia nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển cho các tỉnh đã đặt hàng TDTU…
Thành quả xếp hạng đại học và hợp tác quốc tế của TDTU còn mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho các địa phương trong hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ và kêu gọi đầu tư, ảnh do Phó giáo sư Phạm Thanh Phong cung cấp. |
Ở TDTU, đây là hoạt động hết sức bình thường vì chúng tôi đã sớm nhận ra rằng, chỉ có hợp tác và chia sẻ nguồn lực mới giúp chính mình và đối tác phát triển bền vững, đường dài, vì để đưa kết quả nghiên cứu đi vào cuộc sống, buộc phải có hợp tác và nghiên cứu đa ngành.
Điều quan trọng như đã nói là những công trình như thế được TDTU công nhận nên có đẳng cấp cao. Với một công trình đứng tên một đại học Việt Nam thì hiển nhiên là được tính cho Việt Nam. Như vậy, số lượng công trình khoa học của Việt Nam được tăng lên. Đối với TDTU, những công trình như thế là những tài liệu tham khảo quan trọng cho giảng viên và sinh viên của TDTU. Đây là sự chuyển giao quan trọng vào hoạt động đào tạo của TDTU.
Thí dụ, Nhóm nhà khoa học Đỗ Tường Hạ - Trưởng khoa Khoa học ứng dụng của TDTU và Tiến sĩ Trần Thiện Khánh đã nghiên cứu và sản xuất thành công than hoạt tính từ lục bình (Bèo Nhật Bản) có tính kháng khuẩn rất tốt, giá thành rẻ và có thể áp dụng ngay vào sản xuất khẩu trang y tế để tham gia vào quá trình Phòng chống dịch Covid-19 hoặc có thể áp dụng vào các thiết bị lọc khuẩn khác có dùng than hoạt tính trong lĩnh vực y tế hay các trong lĩnh vực hàng tiêu dùng khác cần thiết bị lọc khuẩn.
Hiện đang có một tổ chức phi chính phủ và một doanh nghiệp nước ngoài đã ngỏ ý sẵn sàng đầu tư hàng chục triệu USD để sản xuất và thương mại hóa sản phẩm này, với điều kiện TDTU phải tìm được nguồn nguyên liệu bền vững, mang lại công ăn việc làm và thu nhập cho cộng đồng.
Thương mại hóa các thành quả nghiên cứu khoa học mang lại nhiều giá trị cho TDTU, sinh viên và cộng đồng, ảnh do Phó giáo sư Phạm Thanh Phong cung cấp. |
Hay có doanh nghiệp tại miền Trung nghe đến công trình này, đã vào làm việc với Trường để giúp họ có thể triển khai kế hoạch (theo đặt hàng của chính quyền các tỉnh) xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường do lục bình mọc kín các con sông, ao hồ trên địa bàn 3 tỉnh miền Trung do người dân vớt lên vứt bỏ gây thối cả một vùng. Và chúng tôi được biết, mỗi năm ngân sách mỗi tỉnh này phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xử lý nhưng chưa triệt để. Tuy nhiên, do vướng dịch bệnh Covid-19 và tình hình lãnh đạo Trường chưa rõ ràng nên tất cả đã tạm dừng việc thương lượng lại.
Đấy là những giá trị mà nghiên cứu khoa học của TDTU mang lại cho cộng đồng, xã hội. Và để các sản phẩm nghiên cứu của Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân, Tiến sĩ Đỗ Tường Hạ đi vào cuộc sống, cần công nghệ sản xuất, cần chiến lược makerting...Đó chính là lý do phải cần có các nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu đa ngành.
Nhiều người thắc mắc, tại sao TDTU có thể bỏ ra cả 1 triệu USD để trang bị hệ thống quan trắc môi trường hiện đại để làm gì? Những thiết bị ấy chúng tôi không chỉ sử dụng để giảng dạy sinh viên, thu thập dữ liệu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, mà còn giúp các địa phương khi chuyển giao công nghệ cho họ về môi trường, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của từng vùng như vậy nên phát triển các sản phẩm hàng hóa gì...
Những câu chuyện như thế này ở TDTU còn rất nhiều, có thời gian các nhà nghiên cứu và sinh viên của Trường sẽ chia sẻ với các bạn. Với những lợi ích to lớn, thiết thực như thế cho Nhà trường, sinh viên, cộng đồng, xã hội, có lẽ mọi người sẽ hiểu hơn về tư duy, tầm nhìn và cách làm của TDTU.
- PV: Trân trọng cảm ơn thầy!
Hồng Thủy
Nguồn: Báo Giaoduc.net.vn
- Log in to post comments