Giới thiệu Sau Đại học
Ngoài việc tập trung đào tạo và cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng và đại học. Khoa kế toán trường Đại học Tôn Đức Thắng còn có sứ mệnh đào tạo sau đại học như bậc thạc sĩ và hiện đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ xin mở bậc đào tạo tiến sĩ kế toán. Chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Kế Toán nhằm cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực kế toán có chất lượng cao, có suy nghĩ độc lập và có khả năng tiếp cận và phát triển khả năng nghiên cứu trong lĩnh vực nghề nghiệp, qua đó đưa ra các giải pháp, đề xuất mới phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
I. Cơ cấu tổ chức
Với những nỗ lực của đội ngũ giảng viên cơ hữu và các cán bộ quản lý, cùng với sự phát triển chung của trường Khoa Kế toán đã không ngừng cải thiện hệ thống đào tạo của mình. Đến nay, Khoa đã gần như hoàn toàn tự chủ trong công tác giảng dạy, số lượng GV thỉnh giảng chỉ còn rất ít. Hiện nay, Khoa Kế toán được tổ chức gồm:
- Văn phòng Khoa;
- Bộ môn Kế toán 1 (Nguyên lý kế toán, Kế toán quản trị…);
- Bộ môn Kế toán 2 (Kế toán tài chính, Kế toán quốc tế, Kế toán HCSN….);
- Bộ môn Kế toán 3 (Kiểm toán, Kế toán Mô phỏng, Hệ thống thông tin kế toán,.
II. Lực lượng giảng viên:
Để đáp ứng yêu cầu phát triển cả về số lượng và chất lượng, Khoa Kế toán luôn chủ động tìm kiếm đội ngũ giảng viên giỏi trong nước và quốc tế, cũng như nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ giảng viên hiện có. Đến nay Khoa đã có 10 giảng viên cơ hữu phụ trách các môn chuyên ngành, trong đó có 1 PGS, 8 Tiến sĩ, với 5 giảng viên tốt nghiệp từ các nước như Mỹ, Úc, Malaysia, Đài Loan… Ngoài ra, có nhiều GS, Tiến sĩ ở các nước như Úc, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia nhận làm giáo sư đỡ đầu hoặc giáo sư thỉnh giảng quốc tế của Khoa.
III. Về năng lực nghiên cứu khoa học, đây là một trong những điểm phát triển vượt bậc của Khoa. Khoa Kế toán đã thực hiện tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế, thu hút được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Năm 2016, Khoa tổ chức thành công thảo quốc tế ICFE 2016. Đây là một trong những hội thảo có kỷ yếu được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu ISI của Thomson Reuter và cơ sở dữ liệu Scopus của Elsevier. Khoa đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu phát triển chung và đóng góp nhiều công bố quốc tế nói chung và ISI nói riêng.
IV. Mục Tiêu Đào Tạo Bậc Cao Học
1. Mục tiêu chung
Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Kế toán giúp học viên nắm vững lý thuyết, có trình độ cao về thực hành, có khả năng nghiên cứu, làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, phân tích và giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên ngành được đào tạo.
2. Mục tiêu cụ thể
Chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Kế toán được xây dựng nhằm bổ sung các khối kiến thức cập nhật và cung cấp thêm cơ sở lý thuyết nâng cao ứng dụng trong thực tiễn đời sống. Chương trình đào tạo đảm bảo trang bị cho học viên đạt tiêu chuẩn sau đây:
- Có tư tưởng chính trị vững vàng, toàn tâm, toàn ý phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước;
- Có khả năng tiếp cận các khoa học chuyên ngành, nghiên cứu các vấn đề khoa học liên quan ở cấp độ phù hợp với trình độ đào tạo;
- Có khả năng viết và trình bày về một vấn đề khoa học trọn vẹn;
- Có khả năng vận dụng quy định luật pháp trong giải quyết các vấn đề kinh tế và ngành đào tạo;
- Có khả năng phân tích định lượng, thống kê thông qua việc ứng dụng các phần mềm phân tích kinh tế lượng, thống kê và, toán;
- Có khả năng ngoại ngữ nói chung và ngoại ngữ chuyên ngành nói riêng tương đương bậc 3/6 theo quy định của Việt Nam;
- Có khả năng làm việc nhóm, quản lý và lãnh đạo thuộc ngành đào tạo;
- Có khả năng phát hiện, phân tích và giải quyết vấn đề toàn diện và khoa học;
- Có khả năng đánh giá và phản biện vấn đề trên cơ sở khoa học với các luận cứ chắc chắn.
- Đáp ứng các yêu cầu đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp.
- Có đủ sức khỏe để hoàn thành công việc được giao.
V. Sau khi tốt nghiệp bậc đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Kế toán, học viên đảm đương được các công việc:
- Chuyên viên kế toán (ở các vị trí công việc khác nhau như kế toán các phần hành; kế toán tổng hợp; kế toán trưởng/ Giám đốc Tài chính tại các tổ chức và doanh nghiệp.
- Kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp.
- Trợ lý kiểm toán của tổ chức kiểm toán (có thể là trưởng nhóm kiểm toán, nếu có chứng chỉ hành nghề Kiểm toán của các tổ chức hành nghề Kiểm toán được Nhà nước Việt Nam công nhận: VACPA; CPA Australia).
- Nghiên cứu viên và Giảng viên (Trung cấp; Cao đẳng; Đại học…)
VI. Thời gian đào tạo: Từ 1,0 – 1,5 năm
- Log in to post comments