Bàn tròn doanh nghiệp - Kết nối doanh nghiệp với Nhà trường và sinh viên Lần 3
Chiều ngày 05/07/2019, Khoa kế toán và Trung tâm ứng dụng – đào tạo và phát triển các giải pháp kinh tế Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã tổ chức Chương trình bàn tròn doanh nghiệp Lần 3 với chủ đề “Kết nối doanh nghiệp với nhà trường và sinh viên”. Chương trình có sự tham gia của một số doanh nghiệp thân hữu, Hiệp hội nghề nghiệp và các chuyên gia (trong số đó có nhiều chuyên gia là cựu sinh viên TDTU) cùng toàn thể giảng viên, viên chức Khoa kế toán. Đây là chương trình được thực hiện định kỳ hàng năm của khoa Kế toán nhằm tổng kết kết quả hoạt động hợp tác doanh nghiệp trong thời gian qua và ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp về chương trình đào tạo của Khoa/Trường.
TS. Lê Thị Mỹ Hạnh đánh giá cao lợi ích của Chương trình trong việc giúp Khoa Kế toán ghi nhận các góp ý thẳng thắn nhưng chân tình mang tính chất xây dựng của doanh nghiệp; Trên cơ sở đó Khoa/Trường có cơ sở để đổi mới, bổ sung, cập nhật chương trình đào tạo, nội dung giảng dạy của từng học phần phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay.
Tại buổi hội nghị này, Khoa Kế toán báo cáo tổng kết quá trình thực hiện các chuyên đề và học phần nghề nghiệp của sinh viên năm 4. ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương đã giới thiệu cách thức cũng như thời gian hoạt động của chuyên đề cho sinh viên qua từng năm. Với mục tiêu giúp sinh viên tiếp cận được tới các doanh nghiệp, đồng thời rèn luyện để phát triển được những kĩ năng liên quan đến chuyên môn, giúp sinh viên có hành trang vững chắc sau khi ra trường.
Những đóng góp của doanh nghiệp tại các sự kiện này thường là những đề xuất cụ thể với minh chứng sống động; là nguồn phản biện có giá trị giúp cho Khoa đối chiếu với thực tế cũng như cập nhật chương trình đào tạo cho phù hợp thực tế.
Mở đầu phần thảo luận, Ông Võ Hùng Tiến - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C đã có đôi lời góp ý: “Cần xác định thời gian cụ thể để doanh nghiệp chủ động trong việc tuyển sinh viên tập sự nghề nghiệp. Bố trí thời gian thực tập toàn phần cho sinh viên năm 4 để không ảnh hưởng đến thời gian của sinh viên và của doanh nghiệp”. Cảm nhận của ông về sinh viên của Khoa Kế toán là “văn hóa ứng xử của sinh viết rất tốt”.
Tiếp nối chia sẻ tại buổi hội nghị, Ông Nguyễn Thanh Sang – Giám đốc công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt ( Vietvalues ) nhận định rằng : “Sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng nghiêm túc, ứng xử tốt. Đó là điều cần thiết của người lao động, tạo thiện cảm khi tiếp xúc khách hàng. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các em tiếp cận công việc, Khoa nên đào tạo sâu hơn về các kiểm toán phần hành, đặc biệt là các bằng chứng kiểm toán cũng như rèn luyện thêm khả năng tự học tự nghiên cứu”.
TS. Trần Khánh Lâm – Tổng thư ký Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cũng đánh giá “Sinh viên Tôn Đức Thắng ngày càng được đánh giá cao từ các doanh nghiệp, sinh viên được tiếp cận môi trường doanh nghiệp sớm. Do đó, giảm bớt được chi phí đào tạo thêm từ các doanh nghiệp. Khoa cần lưu ý về sự phát triển của công nghệ và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong đào tạo nghề kế toán để đón đầu xu hướng phát triển chung của xã hội”.
Ông Phạm Đình Ân - Phó tổng giám đốc công ty TNHH Parker Randall Việt Nam đóng góp ý kiến “Cần sắp xếp thời gian đào tạo để tạo cơ hội cho sinh viên làm nhân viên chính thức sau khi kết thúc mùa thực tập”
Ông Phạm Văn Chương - Giám đốc đại lý thuế Miền Nam: "Sinh viên phải ý thức được giai đoạn tập sự nghề nghiệp là giai đoạn cố gắng tạo ra giá trị thực sự cho doanh nghiệp chứ không phải vì mục tiêu chỉ làm báo cáo nộp cho nhà trường”
Bà Lê Bích Trân - Giám đốc phát triển thị trường khối Giáo dục Viện Kế Toán Công Chứng Anh và Xứ Wales - Việt Nam (ICAEW): "Khoa và nhà trường có thể nâng cao kỹ năng mềm cho các em sinh viên. Đồng thời tìm hiểu được những điểm mạnh, yếu để đưa ra lộ trình cho các em thực tập một cách hệu quả nhất. Bà cũng nêu lên quan điểm “Có một số quan điểm nói rằng sinh viên kế toán hay rụt rè, chưa mạnh dạn nhưng theo tôi đó lại là yếu tố được đánh giá cao bởi sự cam kết/đóng góp cao với nghề nghiệp và tinh thần phụng sự cho tổ chức”
Ông Lê Viết Dũng Linh - Phó giám đốc công ty TNHH Kiểm toán Sao VIệt : “SV khoa KT – của TDTU khi đến tập sự nghề nghiệp tại DN hầu hết đã được đào tạo các kỹ năng văn phòng, được học và làm quen với một số quy trình và phần hành kế toán từ năm 1 đến năm 3 nên nhanh chóng nắm bắt được công việc doanh nghiệp triển khai; Các em cũng thể hiện rõ tính kỷ luật, lễ phép. Tuy nhiên, các em chưa mạnh dạn đặt câu hỏi. Trong giai đoạn Bộ tài chính đang chuyển đổi từ VAS sang IFRS, do đó khoa nên đẩy mạnh hơn việc đưa nội dung này vào chương trình đào tạo để giúp sinh viên ra trường tiếp cận theo xu thế mới”
Ông Lý Minh Triết - Đại diện công ty TNHH SX HTD Bình Tiên góp ý: "Kỹ năng excel là rất cần thiết cho sinh viên chuyên ngành kế toán. Bên cạnh đó, sinh viên cần mạnh dạn nêu điểm mạnh và điểm yếu của mình khi tiếp xúc với doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể bố trí công việc phù hợp hơn”
Ngoài ra còn rất nhiều các ý kiến đóng góp mà các Doanh nghiệp nêu lên trong buổi hội nghị, đây là những điểm mà Khoa Kế toán đã và đang và sẽ từng bước hoàn thiện bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể; Từ đó nâng cao chất lượng đào tạo qua các học phần nghề nghiệp, tạo cho sinh viên môi trường học tập và tập sự nghề nghiệp hiệu quả nhất. Đại diện phía các doanh nghiệp có những nhìn nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của lãnh đạo, tập thể giảng viên, viên chức của khoa Kế toán trong việc xây dựng và từng bước cải thiện chương trình đào tạo và các học phần nghề nghiệp dành cho sinh viên của khoa Kế toán nói riêng, sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng nói chung.
Trên cơ sở những góp ý của các doanh nghiệp, TS. Lê Thị Mỹ Hạnh đã có những giải đáp thỏa đáng cho những thắc mắc của các doanh nghiệp trong hội nghị và ghi nhận những điểm mà Khoa/Trường sẽ ghi nhận để tiếp tục hoàn thiện. Đồng thời, khoa Kế toán cũng mong muốn các doanh nghiệp có thể xây dựng chương trình đào tạo, phân công nhiệm vụ và hướng dẫn rõ ràng cho sinh viên khi tập sự nghề nghiệp tại doanh nghiệp; Doanh nghiệp cũng cần có các tiêu chí đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc quá trình tập sự nghề nghiệp của sinh viên.
Hội nghị diễn ra trong không khí cởi mở, chân tình, buổi hội nghị đã thành công trong việc tạo dựng một kênh thông tin hai chiều hiệu quả nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Khoa/Trường với các doanh nghiệp. Thông qua hoạt động này, Khoa tiếp nhận các góp ý trực tiếp từ doanh nghiệp thân hữu; đồng thời doanh nghiệp có điều kiện biết, hiểu và tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp, sinh viên thực tập nghề nghiệp của Khoa/Trường
- Log in to post comments