Nhảy đến nội dung

Bài báo khoa học là một thành quả tri thức, sao lại dùng từ "mua- bán"?

Những ngày gần đây, câu chuyện về hợp tác nghiên cứu hay mời visiting researcher để công bố bài báo khoa học quốc tế đang gây sự chú ý của dư luận; đặc biệt khi Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam nêu ra vấn đề “mua- bán”.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện đang công tác tại Đại học New South Wales và là người Việt đầu tiên trở thành Viện sĩ Viện hàn lâm y học Australia.

Phóng viên: Hiện nay, nhiều trường đại học phải hợp tác nghiên cứu khoa học để xây dựng các nhóm hay labo nghiên cứu mạnh. Dĩ nhiên nhiều người trong nhóm không phải là giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu (full time) của nhà trường. Giáo sư đánh giá vấn đề này như thế nào? Việc làm này có gì sai trái, đáng phải phê phán không?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Theo tôi thì không có gì sai trái trong việc lập labo / nhóm nghiên cứu ở trường mà nhà khoa học không có biên chế cơ hữu. Xu hướng chung trong khoa học hiện nay là hợp tác nghiên cứu. Hợp tác có thể diễn ra cấp nội bộ trường, cấp quốc gia, và cấp liên quốc gia.

Ở Trung Quốc, có hàng loạt nhà khoa học gốc Hoa ở Mĩ về nước thành lập các labo nghiên cứu, và họ được chính quyền Trung Quốc đầu tư để nghiên cứu rất thành công. Tôi có vài bạn gốc Hoa ở Úc và Mĩ, họ bỏ ra chừng 1-2 tháng mỗi năm ở labo bên Trung Quốc. Những labo đó là những trung tâm thu hút người có tài từ nước ngoài về phục vụ quê hương.

H1

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ảnh: tdtu.edu.vn)

Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng làm như vậy, nhưng trễ hơn so với các đại học Trung Quốc.

Tôi cũng có một labo nghiên cứu cơ xương ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng (dù tôi không phải là giảng viên cơ hữu của Trường) và đã góp phần nâng cao công bố khoa học cho Việt Nam.

Thật ra, những công bố do labo tôi ở Việt Nam cũng được các đại học bên Úc chia sẻ (dù họ chẳng có tài trợ đồng nào) vì tôi giữ các chức vụ nghiên cứu ở bên Úc. Tuy nhiên, tôi nghĩ hình thức hợp tác như thế là rất có lợi cho Việt Nam, vì đó là cơ chế thiết thực nhất để thu hút các chuyên gia gốc Việt ở nước ngoài.

Ở môi trường học thuật như Úc, một trường đại học muốn có nhiều bài báo khoa học thì họ có phải hợp tác nghiên cứu, hay mời visiting researcher (dạng như giảng viên thỉnh giảng bên giảng dạy) không, thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Rất nhiều (có thể hơn 50%) các bài báo của các đại học Úc là do hợp tác trong và ngoài đại học. Ở Úc, có nhiều nhà khoa học thuộc biên chế của các viện nghiên cứu, bệnh viện, thậm chí công ti kĩ nghệ có những chức danh kiêm nhiệm (tiếng Anh là "adjunct" hay "conjoint") hay thỉnh giảng ("visiting professor").

Với chức danh kiêm nhiệm, họ có quyền tuyển nghiên cứu sinh và sử dụng tài nguyên (thư viện, internet, email) của trường đại học.

Trường đại học không trả lương cho các nhà khoa học này. Trường cũng không tài trợ cho họ nghiên cứu. Nhưng trường đại học có tên trong tất cả bài báo mà nhà khoa học công bố.

Do đó, có tác giả dù chỉ có một biên chế của một nơi, nhưng có nhiều địa chỉ trên bài báo khoa học mà họ không có biên chế. Điều này tôi thấy đã trở thành gần như là một qui ước chung mà cộng đồng khoa học chấp nhận.

Vừa qua, dư luận tính toán ra rằng, công bố quốc tế của Trường Đại học Tôn Đức Thắng chiếm đến 28% (hơn ¼) của cả nước. Giáo sư đánh giá gì về công tác nghiên cứu khoa học cũng như chính sách thu hút nhân tài của đại học này?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ trong quá khứ Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút các nhà khoa học ở nước ngoài về công tác hay hợp tác nghiên cứu ở trong nước. Nhưng không rõ có bao nhiêu người đã về.

Còn Trường Đại học Tôn Đức Thắng thì có sẵn cơ chế để thu hút họ về Trường, và có thể nói rằng Trường đã thành công.

Không chỉ giới khoa học nước ngoài về hợp tác, Trường còn thu hút cả những nhà khoa học nước ngoài, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ nước ngoài về Trường nghiên cứu.

Tôi thì thích sự minh bạch của Trường trong việc đầu tư cho labo nghiên cứu, và ban giám hiệu không can thiệp vào những nghiên cứu của chúng tôi.

Chúng ta cần có cái nhìn bao quát và rộng hơn. Mỗi một bài báo được công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt từ Việt Nam là một đóng góp vào tài sản tri thức của đất nước Việt Nam.

Mỗi một bài báo từ Việt Nam có hiệu quả góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bất cứ trường nào, bất cứ tác giả nào có đóng góp để nâng cao uy danh của Việt Nam trên trường quốc tế nên được ghi nhận hơn là nghi ngờ.

Theo giáo sư, việc một đại học trả tiền xứng đáng cho các nhà khoa học để họ nghiên cứu và công bố quốc tế dưới hình thức hợp đồng visiting researcher có phải là “mua- bán” hay không? Cách đánh giá của người viết bài trên Thanh Niên có phải lệch lạc thậm chí là xúc phạm những nhà khoa học?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ dùng chữ "mua bán" trong việc công bố khoa học e rằng làm lệch sự việc. Bài báo khoa học là một thành quả tri thức, đóng góp vào kho tàng tri thức nhân loại và trong nhiều trường hợp có thể đem lại phúc lợi cho xã hội.

Bài báo khoa học không phải là hàng hoá. Hàng hoá thì có mua bán, nhưng tôi không nghĩ ai lại đi mua bán phúc lợi xã hội.

Nếu ví dụ như một quĩ tài trợ cho nghiên cứu khoa học, quỹ đó có quyền đòi hỏi nhà khoa học phải có công bố khoa học, thì có thể xem đó là "mua bán"? Tôi không nghĩ vậy.

Tôi hay nhận tài trợ từ các công ty dược cho nghiên cứu, và họ cũng đòi tôi phải có công bố khoa học, nhưng tôi không nghĩ công ty dược mua bài báo, hay tôi bán bài báo cho họ. Tôi xem đó là đầu tư cho khoa học.

Xung quanh việc Báo Thanh niên phản ánh về việc “mua bán bài báo khoa học”, giáo sư có nhận định gì thêm không?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi rất tiếc là bài báo đó dùng những chữ mà theo tôi là quá nặng nề. Những chữ như "chiêu trò", "lừa đảo" đáng lí ra không có mặt trên báo chí khi đề cập đến một tập thể của một trường đại học công, vì nó gây tổn thương đến rất nhiều người. Những chữ đó càng không nên có trong một bản tin bàn về một vấn đề hàn lâm.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.

Nguồn: Báo Giáo dục Việt Nam