Nhảy đến nội dung

Giới thiệu

“Gắn kết nhà trường với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo gắn liền với thực tiễn, đặc biệt đào tạo theo định hướng nghề nghiệp” . Đó là mục tiêu chung của Ban hợp tác doanh nghiệp - Khoa Kế toán Trường Đại học Tôn Đức Thắng. 

Ban hợp tác doanh nghiệp Khoa Kế toán là bộ phận đầu mối của Khoa trong việc tiếp nhận, triển khai các hoạt động phát triển hợp tác với doanh nghiệp, hỗ trợ việc làm cho HSSV, đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn và đánh giá kỹ năng nghề. Ban Hợp tác doanh nghiệp đóng vai trò cầu nối giữa Nhà trường, doanh nghiệp và người học nhằm khép kín chu trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Phương châm chung là luôn mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi với các doanh nghiệp, qua đó giúp rường Đại học Tôn Đức Thắng nói chung và Khoa Kế toán nói riêng cung cấp nguồn nhân lực tay nghề cao và doanh nghiệp có đội ngũ lao động chất lượng tốt.

Nhiệm vụ cụ thể:

  • Xây dựng kế hoạch hợp tác giữa Khoa với doanh nghiệp, triển khai, theo dõi, kiểm tra, đánh giá các hoạt động hợp tác, liên kết với doanh nghiệp;
  • Làm đầu mối tiếp nhận, triển khai các hoạt động đào tạo bồi dưỡng, đánh giá kỹ năng nghề, sản xuất,… theo đặt hàng của doanh nghiệp;
  • Phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học về đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, các chương trình hội thảo, tư vấn và giới thiệu việc làm cho sinh viên;
  • Phối hợp tổ chức cho sinh viên tham quan thực tế, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, các hoạt động giao lưu giữa sinh viên và doanh nghiệp;
  • Thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp; làm đầu mối tiếp nhận thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp; cung cấp thông tin, giới thiệu nơi thực tập và việc làm cho sinh viên;
  • Tổ chức khảo sát về nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp, thu thập thông tin phản hồi từ doanh nghiệp về các chương trình đào tạo của nhà trường;
  • Tạo mối quan hệ gắn kết với doanh nghiệp để hỗ trợ nhà trường như: tham gia xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, hướng dẫn sinh viên thực tập tốt nghiệp, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp;
  • Chú trọng đầu tư và phát triển hoạt động quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ việc làm cho sinh viên. Khẳng định hợp tác doanh nghiệp là nhân tố tích cực nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường;
  • Phát triển quan hệ hợp tác với doanh nghiệp theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi;
  • Tỷ lệ sinh viên có việc làm các năm tăng đều tại thời điểm tốt nghiệp, giảng viên giảng dạy chuyên ngành có hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, môn học chuyên ngành có sự tham gia giảng dạy/hướng dẫn của chuyên gia đến từ doanh nghiệp;
  • Tham mưu cho lãnh đạo Khoa thực hiện về các hoạt động hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp;

Thành tựu đạt được trong thời gian qua là với chủ trương chung của Nhà trường, của Khoa Kế toán là sinh viên theo học chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp, được tham gia các tiết thực hành tại các doanh nghiệp như là một phần bắt buộc của các môn học. Vì vậy, sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo tại Khoa với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước càng trở nên quan trọng hơn.

Bên cạnh đó, hoạt động mời diễn giả (Guess speaker) là một đặc trưng riêng, là những diễn đàn để sinh viên có những trao đổi với các chuyên gia, các nhà quản trị thực tiễn.

Cụ thể, trong thời gian qua đã có rất nhiều diễn giả tham gia các diễn đàn trao đổi với sinh viên. Hoạt động thăm quan và khảo sát doanh nghiệp được duy trì đều đặn. Ban hợp tác doanh nghiệp của Khoa đã tổ chức cho sinh viên thuộc hai chương trình tiêu chuẩn và CLC đi tham quan doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề: Kế toán, Kiểm toán, chứng khoán và nhiều nhất là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trong các buổi tham quan doanh nghiệp, sinh viên cũng được trao đổi trực tiếp với đại diện lãnh đạo nhằm tìm hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động, tìm hiểu thực tế các vấn đề khi doanh nghiệp đi vào hoạt động.

Kết quả khảo sát các sinh viên tham gia chương trình cho rằng chất lượng của các diễn giả khi trao đổi với sinh viên là rất bổ ích đối với việc nâng cao kiến thức thực tiễn, tạo động lực cho các em định hướng công việc trong tương lai. Bên cạnh đó, hầu hết số sinh viên cho rằng các buổi tham quan doanh nghiệp có ý nghĩa trong việc trải nghiệm, liên hệ giữa lý thuyết và thực tiễn. Như vậy, có thể nhận thấy rằng hoạt động gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong thời gian qua rất hiệu quả.

Tuy vậy, để không ngừng nâng cao chất lượng trong việc hợp tác và gắn kết lâu dài. Phương hướng hoạt động của Ban hợp tác DN – Khoa Kế toán tiếp tục đẩy mạnh khai thác hết tiềm năng của hai bên, và cần một cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn trong tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà trường